Điện ảnh Việt đang đứng ở giai đoạn phát triển rất nhanh nhưng đồng thời rất nguy hiểm. Lượng phim ra rạp tăng dần mỗi năm, số lượng đạo diễn mới xuất hiện ngày một nhiều và dần thay thế lớp người đi trước. Song song với việc này chính là sự đa dạng trong thể loại phim, bùng nổ lượng diễn viên tay ngang và những "số phận" không còn dễ đoán.
Phim "49 Ngày 2"
Năm 2016 là một minh chứng khiến bất kì ai cũng bàng hoàng khi mà lượng phim Việt chiếu rạp khoảng 60 phim nhưng con số chất lượng chưa đến 10. Nhưng buồn nhất vẫn là những cú ngã đau điếng cho cả đạo diễn, diễn viên lẫn những nhà đầu tư vì trót tin vào cái vỏ hoành tráng.Có những phim bỏ ra hơn 30 tỉ nhưng rồi cũng âm thầm rút khỏi rạp như một sự quên lãng. Có những phim trầy trật ra mắt không kèn không trống và tất nhiên cũng biến mất chẳng ai hay. Không phải không có những thành công nhưng bảy tám mươi tỉ doanh thu mang về thực sự không tương xứng với chất lượng.
"Fan Cuồng" của đạo diễn triệu đô Charlie Nguyễn, "ông vua phòng vé" Thái Hòa cùng kinh phí 26 tỉ nhưng vẫn "ngã ngựa" đau thương
Hệ lụy này như một nỗi thất vọng lớn sau những "trái ngọt" của 2015, và còn kéo dài đến đầu năm 2017 với những cái tên chán chả buồn nói. Mùa Tết vốn là thời điểm "hái ra tiền" của phim Việt nhưng Tết 2017 chỉ vỏn vẹn có 3 phim mới và chẳng phim nào khiến người ta nhớ. Những tưởng hậu quả ê chề lại báo trước một năm "kinh dị" dù chả biết có phim kinh dị nào không nhưng những bất ngờ đã xuất hiện vào tháng 3.
"Nhân văn" lên ngôi, "người già" trở lại
Không hẹn mà gặp, 3/4 phim Việt ra rạp tháng 3 đều chọn đề tài xã hội thay vì tình cảm - hải vốn là thế mạnh của điện ảnh Việt bấy lâu: "Hot Boy Nổi Loạn 2" (Vũ Ngọc Đãng), "Dạ Cổ Hoài Lang" (Nguyễn Quang Dũng) và "Lô Tô" (Huỳnh Tuấn Anh).
Phim "Hot Boy Nổi Loạn 2"
Điểm chung của ba bộ phim này chính là nói về những phận đời, phận người không được tốt đẹp trong xã hội. "Hot Boy Nổi Loạn 2" tiếp tục đào sâu thế giới của mại dâm nam u tối nhiều cạm bẫy. "Dạ Cổ Hoài Lang" là khúc hát vọng về quê hương của những người xa xứ."Lô Tô" thì chọn nói về thăng trầm của những kẻ "bóng gió" lấy hề làm kế sinh nhai. Trong đây mới chỉ có "Hot Boy Nổi Loạn 2" khởi chiếu, nhưng các phim còn lại vẫn đang tạo được sự trông chờ qua các trailer và poster đã công bố.
Phim "Lô Tô"
Phim "Dạ Cổ Hoài Lang"
Bên cạnh nội dung chắc chắn sẽ khiến khán giả cảm động khi chọn "nhân văn" làm chủ đạo thì sự trở lại của những tên tuổi gạo cội cũng được bảo đảm. Nhìn vào dàn diễn viên của cả 3 phim trên sẽ không còn thấy những "hot girl", "hot boy" gồng mình đảm nhận vai chính, thay vào đó là những cái tên thực lực.Ở "Lô Tô" là Hữu Châu hứa hẹn sẽ đem đến câu chuyện đẫm nước mắt của chủ gánh hát lô tô. "Dạ Cổ Hoài Lang" với Hoài Linh và Chí Tài trong những vai diễn đúng tuổi, đúng nghề và rất nhiều trăn trở. Lương Mạnh Hải của "Hot Boy Nổi Loạn 2" dù tuổi đời "không được già mấy" nhưng diễn xuất của anh qua vai Lam đã chứng tỏ thực lực và sự hy sinh cho nghề. Những "hot boy" La Quốc Hùng, Trần Huy Anh trong phim cũng được khai thác diễn xuất đúng mực, không khiến khán giả khó chịu.
Chưa hết, vào cuối tháng 2, một bộ phim "lạ hoắc" bất ngờ tung ra teaser trailer khiến người xem cực kì hy vọng khi ra mắt vào tháng 5: "Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa". Qua những thông tin đã giới thiệu thì "Có Căn Nhà…" sẽ tập hợp rất nhiều những nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm như Kim Xuân, Ngọc Giàu, Lê Bình trong một câu chuyện thấm đẫm tình cảm gia đình. Qua rồi cái thời của những người trẻ chưa biết thực lực nằm đâu đã vội vàng làm sao, đã đến lúc trả lại sân nhà cho những người biết diễn.
Những rủi ro thuộc về điện ảnh
Nói đi cũng phải nói lại, dù Hoài Linh, Chí Tài, Hữu Châu, Kim Xuân, Ngọc Giàu là những gạo cội diễn xuất, đã từng đóng không ít phim nhưng "cái nôi" họ sinh ra vẫn là sân khấu. Kinh nghiệm về kịch chắc chắn chín mùi hơn những trải nghiệm về phim.
Vì thế, dù chắc chắn ông Tư Lành (Hoài Linh) và Năm Triều (Chí Tài) sẽ làm chúng ta bùi ngùi vì nhớ quê, Lệ Liễu (Hữu Châu) sẽ khiến khán giả rơi nước mắt vì những tủi nhục và hy sinh của "bà chủ" gánh hát Phù Hoa hay người mẹ nặng lòng với tình thương con dạt dào của Kim Xuân là những vai chưa xem đã biết hay thì vẫn có những e ngại thuộc về điện ảnh.
Bởi vì dù sao điện ảnh cũng là cách dùng hình ảnh để kể lại câu chuyện, khác với kịch tập trung vào diễn viên. "Dạ Cổ Hoài Lang" là sản phẩm trở lại của Nguyễn Quang Dũng nhưng từ trước tới nay chất điện ảnh trong phim anh không được đánh giá cao. Cũng như "Lô Tô" là phim đầu tay của Huỳnh Tuấn Anh nên vẫn chưa thể biết trước điều gì. "Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa" lại là sản phẩm kết hợp của đạo diễn mới cực trẻ Bình Nguyên và Mai Thế Hiệp (vốn không phải là đạo diễn) nên vẫn còn đó những rủi ro.
"Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa"
Những phim còn lại có thể sở hữu một kịch bản hay nhưng có thực sự là phim điện ảnh hay không thì vẫn còn chờ phim chiếu rồi mới biết.
"Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng"
Câu nói này chưa bao giờ sai, đặc biệt khi nói về điện ảnh Việt. Thiết nghĩ các nhà làm phim nước ta nên "lận lưng" câu nói này trong tất thảy mọi dự án sắp triển khai. Dù gì nền điện ảnh Việt Nam vẫn sinh sau đẻ muộn, vẫn còn quá thiếu điều kiện và kĩ thuật để có thể cạnh tranh với các nước đi trước. Đạo diễn có giỏi cách mấy thì điều kiện làm phim ở Việt Nam mới là vấn đề tiên quyết, vì nó tạo ra kinh nghiệm.
Do đó, thay vì phải cạnh tranh nhau bằng những con số hay gồng mình làm những điều nghe đã thấy mông lung thì hãy thực hiện những thứ vừa tầm trước đã. Trong mặt bằng chung, điện ảnh Việt vẫn giỏi lấy cảm xúc hơn là xây dựng một tòa thành nguy nga nhưng có thể thất thủ bất cứ lúc nào.
Tất nhiên không phải cổ xúy phim Việt cứ mãi vẫy vùng trong ao làng, nhưng muốn vươn ra biển lớn không chỉ cần tầm nhìn mà cần cả cách nhìn. Nếu chưa đủ khả năng kiểm soát một "bộ máy" dày đặc những chi tiết, phải cố sức làm để rồi bỏ rơi kịch bản là linh hồn của bộ phim thì tốt nhất hãy làm những thứ vừa sức.
"Dạ Cổ Hoài Lang", "Lô Tô" hay "Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa" chính là những cốc nước thanh mát mà điện ảnh Việt đang cần, dù khán giả đã từng được "uống" nó trước đây. Chúng chính là những niềm hy vọng mang tên "xã hội", "con người" sau một thời gian bão hòa trong "hài" và "nhảm".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét